10/11/2023
Lĩnh vực đầu tư bất động sản (BĐS) có thể mang lại cho bạn những khoản lợi nhuận khổng lồ, vì vậy mà có rất nhiều người với khát vọng “đổi đời” đã chuyển ngành nghề kinh doanh sang BĐS. Tuy nhiên, kinh doanh BĐS liệu có dễ dàng đến vậy? Bất kì loại hình kinh doanh nào cũng tồn tại những rủi ro, đặc biệt khi lợi nhuận càng lớn thì lại càng có nhiều rủi ro hơn nữa. Các nhà đầu tư cần phải thận trọng và kỹ lưỡng trước những rủi ro dưới đây để tránh rơi vào cảnh “trắng tay”!
Mua nhà đất nhưng lại quên việc phải kiểm tra xem nhà đất dự định mua có đang hay chuẩn bị vào diện quy hoạch hay không là một điều đáng tiếc. Cũng có một số trường hợp do người bán cố tình cung cấp thông tin không chính xác, che giấu việc vào quy hoạch để có thể bán được nhà đất cũng là một rủi ro đáng ngại. Trong trường hợp này, một khi có quyết định thu hồi đất chắc chắn bạn sẽ bị thiệt hại nặng nề, thậm chí là mất hết không còn gì cả.
Để tránh được rủi ro này, bạn cần phải chủ động kiểm tra thông tin về nhà đất trước khi tiến hành bất kì giao dịch nào.
Bạn cần phải yêu cầu bên bán cung cấp cũng như cam kết xuất trình đầy đủ các giấy tờ chứng minh dự án chưa từng thế chấp ngân hàng hoặc nếu đã thế chấp thì phải được giải chấp trước khi tiến hành việc mua bán. Dự án đang bị thế chấp bởi ngân hàng mà chưa tiến hành giải chấp sẽ khiến bạn rơi vào khủng hoảng cả tinh thần và vật chất.
Khi người đầu tư mua phải các dự án chưa được hoàn tất về thủ tục pháp lý hay chưa đủ điều kiện bán là một sự mạo hiểm. Bởi rơi vào các trường hợp này phần lớn sẽ khiến người đầu tư gặp rủi ro cao do nguy cơ dự án bị treo, bị đình chỉ là rất lớn. Hãy nghĩ đến khả năng bạn đang bị lừa bởi nhà đầu tư này, vì một người kinh doanh uy tín sẽ không để khách hàng của mình bị thiệt thòi.
Chủ quan và không tìm kiếm thông tin sẽ dẫn người mua vướng vào rủi ro này. Tài sản có đang bị tranh chấp hay không? Có sở hữu rõ ràng của một cá nhân nào?... Bạn cần phải làm rõ trước khi thực hiện giao dịch để tránh những phiền phức về sau.
Đối với trường hợp tài sản đồng sở hữu thì khi giao dịch phải được sự đồng ý của tất cả chủ sở hữu tài sản đó. Nếu giao dịch diễn ra chỉ có 01 trong những người có quyền sở hữu tài sản thì giao dịch đó xem như không thành công và dẫn đến tranh chấp sau này.
Một trường hợp khác, khi người giao dịch với bạn lại là người không có quyền sở hữu tài sản đó, cũng không có giấy ủy quyền, thì xem như bạn đã mang một số tiền lớn để “biếu” không cho người ta rồi!
Các hợp đồng mua bán nhà đất phải được lập thành văn bản, ký kết và công chứng theo quy định của pháp luật hiện hành. Bạn hãy quên đi các hợp đồng mua bán được thực hiện bằng giấy tay, không qua công chứng, cam kết miệng vì chỗ thân tình... những trường hợp này pháp luật sẽ khó mà can thiệp để giúp bạn được!
Rủi ro lớn nhất trong mọi hợp đồng là các điều khoản thỏa thuận được trình bày mập mờ, thiếu rõ ràng sẽ dẫn đến việc mất cọc, đền bù cọc một cách vô lý. Vì vậy, hãy luôn ghi nhớ trong đầu của mình trước khi đặt bút ký bất kỳ giao dịch nào, cũng phải đọc hết và đảm bảo hiểu rõ chi tiết rõ ràng các điều khoản được nêu trong hợp đồng.
Sẽ là rắc rối nếu cố tình vi phạm về thuế. Trên thực tế cũng có khá nhiều trường hợp muốn giảm thuế mà kê khai sai giá trị tài sản trên hợp đồng, điều này sẽ dẫn đến nhiều tai họa cho sau này nếu 1 trong 2 không đi đúng hướng ban đầu đã vẽ ra trên hợp đồng nữa. Bởi vì đã gọi là hợp đồng mua bán, thì 2 bên mua bán sẽ căn cứ theo hợp đồng để thực hiện nghĩa vụ và quyền hạn của các bên, trong trường hợp này bên mua chỉ muốn trả đúng số tiền theo hợp đồng, thì lúc này bên bán không thể kêu ai cứu mình được nữa!
Đối với các dự án nhất là các dự án hình thành trong tương lai thì rủi ro người mua nhận được sản phẩm không đúng với thiết kế cũng như kỳ vọng là có thể xảy ra. Người mua cần phải soi xét và đối chiếu các chi tiết hạng mục đã được liệt kê trong phụ lục hợp đồng. Một dự án được bàn giao bị thiếu đi vài hạng mục trong xây dựng hay thiết kế sẽ làm cho giá trị bất động sản giảm đi, gây thiệt hại cho người đầu tư.
Khi người bán cố tình thực hiện hành vi lừa đảo, sẽ là một trở ngại lớn trong việc tìm kiếm và kiểm tra thông tin cho người mua, dẫn đến việc mua sai và mất trắng!
Các trường hợp lừa đảo dễ thấy là chỉ một bất động sản nhưng lại được rao bán và nhận cọc từ nhiều người mua, các giấy tờ nhà đất giả mạo tinh vi… nếu không có sự kiểm tra của cơ quan công quyền sẽ rất khó để nhận biết.
Qua các rủi ro trên, ta có thể nhận thấy điểm chung mọi rủi ro là đến từ sự chủ quan trong việc kiểm tra thông tin của người mua về các vấn đề giấy tờ pháp lý nhà đất, chưa kể đến các trường hợp cố tình làm sai hay giả mạo. Tóm lại, đầu tư BĐS tuy dễ mà khó, tuy khó mà dễ, người đầu tư cần sáng suốt và cẩn trọng trong mọi trường hợp để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất có thể!
(Nguồn tổng hợp - quanlydautu.vn chỉnh sửa)